Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) được đánh giá là loại nhiên liệu hóa thạch sạch đầy tiềm năng trong tương lai, bởi quá trình đốt cháy ít thải ra khí độc hại, không thải ra muội than, khói bụi. Sử dụng LNG được xem là giải pháp hàng đầu cho các vấn đề môi trường, kèm theo đó là các lợi ích về mặt kinh tế, hiệu năng tốt hơn. Cùng tìm hiểu qua một số ứng dụng và lợi ích của LNG trong nội dung sau.
1. Giới thiệu LNG
Khí thiên nhiên hóa lỏng (Liquefied Natural Gas), viết tắt LNG, có thành phần chủ yếu là khí Methane CH4 (94,3%), không màu, không mùi, nhẹ hơn và tiêu tán nhanh trong không khí. LNG là khí thiên nhiên được hoá lỏng ở nhiệt độ -162oC, chỉ chiếm 1/600 thể tích so với khí thiên nhiên ở điều kiện tiêu chuẩn, nhờ đó thuận tiện cho việc tồn chứa, vận chuyển từ nơi sản xuất đến các thị trường tiêu thụ trên thế giới.
Mô hình Hệ thống cấp khí cho khách hàng
2. Ứng dụng và lợi ích của LNG
Trong bối cảnh thế giới đang hướng tới mục tiêu chung giảm ô nhiễm môi trường, LNG nhanh chóng trở thành phương án thay thế hiệu quả cho các nhiên liệu truyền thống như than đá, dầu mỏ bởi tạo ra ít khí thải độc hại hơn.
2.1. Ứng dụng của LNG
Tại địa điểm tiêu thụ, LNG được chuyển trở lại trạng thái khí khi đi qua thiết bị tái hóa khí, và có thể sử dụng tương tự như khí khô. Một số ứng dụng phổ biến của LNG bao gồm:
-
Phát triển điện khí: LNG là một loại năng lượng có phát thải thấp, không thải ra muội than, khói bụi, đồng thời mang lại giá trị năng lượng cao hơn, hay nói cách khác, LNG có thể tạo ra nhiều điện trên mỗi tấn hơn so với than đá. Việc phát triển điện khí bằng LNG không chỉ thân thiện với môi trường, mà còn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tăng tính bền vững của sản xuất điện.
-
Tiêu thụ công nghiệp: LNG được sử dụng làm nhiên liệu cho máy móc thiết bị, cung cấp nhiệt năng cho quy trình sản xuất như luyện kim, sấy khô, v.v.
-
Nhiên liệu thay thế trong giao thông vận tải: Nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng LNG làm nhiên liệu cho các phương tiện như tàu biển, tàu hoả, xe tải nặng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, kéo dài tuổi thọ cho thiết bị, tiết kiệm chi phí nhiên liệu.
2.2. Lợi ích của LNG
Về môi trường
LNG được đánh giá là nhiên liệu hóa thạch sạch nhất hiện nay, là giải pháp thay thế tuyệt vời giúp giảm phát thải khí nhà kính và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Quá trình đốt cháy LNG tạo ra ít hơn 30% CO2 so với nhiên liệu dầu, ít hơn 45% CO2 so với than đá, giảm hai lần lượng khí thải nitơ oxit và hầu như không có khí thải SO2 gây hại cho môi trường. LNG cũng không thải ra muội than, khói bụi gây ô nhiễm không khí. Cùng với đó, đặc tính nhẹ hơn và tiêu tán nhanh trong không khí khiến LNG không gây thiệt hại nặng nề như xăng, dầu trong trường hợp rò rỉ.
Xe chuyên dụng vận chuyển LNG
Về kinh tế
LNG chỉ chiếm 1/600 thể tích khí thiên nhiên ở điều kiện tiêu chuẩn, thuận tiện hơn cho việc tồn chứa, tiết kiệm chi phí vận chuyển và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường so với các nhiên liệu truyền thống. LNG cũng có giá thành cạnh tranh hơn so với các nhiên liệu truyền thống như xăng dầu, trong khi hiệu năng đem lại tương đương hoặc hiệu quả hơn. Mặt khác, sử dụng LNG không để lại cặn trong động cơ thiết bị, giúp tăng tuổi thọ, giảm chi phí bảo trì, bảo dưỡng.
Hệ thống trạm LNG tại nhà máy khách hàng
LNG là nguồn năng lượng sạch của tương lai, an toàn và mang lại rất nhiều lợi ích về mặt kinh tế, hiệu năng sử dụng. Việt Nam hiện đang nỗ lực tham gia vào thị trường LNG với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phục vụ phát triển đất nước gắn liền với bảo vệ môi trường. Sắp tới, nước ta tiến hành nhập khẩu LNG để phục vụ nhu cầu tiêu thụ khí trong nước và bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung năng lượng nội địa đang trên đà sụt giảm. Là một trong những công ty dẫn đầu kinh doanh CNG và LPG trong nước, hiện tại Gas South đã chuẩn bị sẵn sàng cơ sở hạ tầng để tiếp nhận và kinh doanh LNG khi sản phẩm này dự kiến được nhập vào Việt Nam cuối năm 2023.