Giá khí LNG thế giới trải qua giai đoạn đầy biến động trong những năm gần đây do dịch bệnh, xung đột chiến tranh và sự gia tăng trong nhu cầu sử dụng khí đốt dẫn đến nhiều vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt trong thời điểm Việt Nam đang có chủ trương nhập khẩu và sử dụng nguồn cung LNG làm nhiên liệu chính trong sản xuất điện khí.
1. Giá LNG trên thị trường hiện nay
Nhu cầu khí đốt tăng và công nghệ hóa lỏng được cải thiện đã thúc đẩy tăng trưởng thị trường khí đốt và sự gia nhập của những nhiều quốc gia mới. Giá LNG có thể bị ảnh hưởng do nhiều yếu tố như thời tiết, cung cầu và giá dầu thô. Các nhà nhập khẩu LNG lớn nhất là các quốc gia ở châu Á, dẫn đầu là Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, với gần một nửa mức tăng trưởng đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này dự kiến sẽ giảm nhẹ khi các đường ống từ Nga bắt đầu cung cấp LNG cho Trung Quốc trong những năm tới.
Giá LNG của một số quốc gia tại thời điểm tháng 10 năm 2021
Theo Statista, giá LNG tiêu chuẩn toàn cầu lên tới 29.74 USD/MMBtu vào tháng 10 năm 2022, tăng hơn so với tháng 1 năm 2021 (ở mức 8.21 USD/MMBTU) do các vấn đề về nguồn cung. Ngoài ra, trang thống kê này cũng cho biết mức giá LNG cập bến có sự chênh lệch giữa các quốc gia. Trong đó, giá LNG cập bến của Hàn Quốc ở mức 35.43 USD/MMBTU vào thời điểm tháng 10 năm 2021, so với Hoa Kỳ (Lake Charles) giá chỉ 5.43 USD/MMBTU.
Sự dao động lớn về giá khí thiên nhiên hóa lỏng LNG không chỉ do tác động của các yếu tố truyền thống như thời tiết, cung cầu và giá dầu, mà còn bởi nhu cầu sử dụng khí phục hồi nhanh và mạnh hơn sau đại dịch, đi kèm với đó là cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến giá LNG trên thế giới biến động mạnh.
2. Các vấn đề Việt Nam cần phải đối mặt do biến động giá LNG
Giá LNG tăng đột biến trong thời gian qua gây ra nhiều vấn đề cho các quốc gia sử dụng LNG. Việt Nam cũng không ngoại lệ và sẽ phải đối mặt với những thách thức kinh tế và xã hội do giá LNG tăng cao. Đặc biệt, sự biến động về giá LNG dấy lên mối lo ngại về việc triển khai các dự án LNG tại Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn xúc tiến nhập khẩu LNG để phục vụ nhu cầu trong nước, và làm nhiên liệu chính cho các dự án phát triển điện khí thiên nhiên.
Giá khí thiên nhiên hóa lỏng tăng cao gây sức ép cho việc triển khai các dự án nhà máy điện trong nước, đặc biệt khi Việt Nam đang phụ thuộc hoàn toàn vào LNG nhập khẩu. Giá LNG phần nào ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành điện bán ra, hay nói cách khác việc giá khí thiên nhiên hóa lỏng tăng khiến dự án điện khí khó tham gia vào thị trường chung. Đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ và tính hiệu quả của các dự án phát triển điện khí trong nước.
Việc giá khí LNG tăng cao kỷ lục như hiện nay không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các dự án phát triển dựa trên nguồn nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng tại Việt Nam, mà là vấn đề chung hầu hết các quốc gia đang dựa vào nguồn LNG nhập khẩu phải đối mặt. Tuy nhiên, nhiều dự báo cho rằng mức giá khí thiên nhiên hóa lỏng sẽ ổn định hơn trong vài năm tới. Vì thế, nước ta vẫn đang xúc tiến việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng đón đầu nhập khẩu LNG vào cuối năm 2023, cũng như có kế hoạch triển khai từng giai đoạn cụ thể cho các dự án điện khí LNG trong tương lai.