Ứng dụng khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) vào hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển điện khí là chủ đề năng lượng thu hút sự quan tâm dư luận thời gian gần đây. Để chuẩn bị tốt cho việc tiếp nhận và sử dụng lượng LNG nhập khẩu, các dự án LNG trong nước được theo sát về tiến độ triển khai cũng như tính khả thi từng dự án. Dưới đây là một số dự án LNG lớn nhất Việt Nam hiện nay.
1. Điểm danh các dự án LNG nổi bật tại Việt Nam
Khí thiên nhiên hóa lỏng (Liquefied Natural Gas), viết tắt LNG, là khí thiên nhiên có thành phần chủ yếu là CH₄ - Methane, được làm lạnh ở nhiệt độ -162oC để chuyển sang thể lỏng, thuận tiện cho việc lưu trữ và tối ưu chi phí vận chuyển. LNG dự kiến được nhập khẩu và phân phối tiêu thụ trong nước vào cuối năm 2023 bởi Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV Gas) - đơn vị đầu tiên được cấp chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu khí LNG tại Việt Nam. LNG sau khi được nhập khẩu sẽ được phân phối thông qua đường ống hoặc xe bồn và các trạm LNG vệ tinh cho khách hàng tiêu thụ.
Để có thể nhập khẩu LNG vào Việt Nam cuối năm 2023 như kế hoạch, nước ta đang xúc tiến hoàn tất hệ thống cơ sở hạ tầng đặc biệt là các dự án kho cảng LNG nhằm đáp ứng hoạt động tiếp nhận, lưu trữ và phân phối khí. Tính đến thời điểm hiện tại, hiện có hai cảng LNG dự kiến sớm đi vào hoạt động bao gồm Cảng LNG Hải Linh và cảng LNG Thị Vải. Ngoài ra, Việt Nam còn nhiều dự án LNG nổi bật khác sẽ được đề cập chi tiết dưới đây.
1.1. Dự án LNG Thị Vải - Bà Rịa Vũng Tàu
Dự án LNG Thị Vải - Bà Rịa Vũng Tàu là một dự án lớn và trọng điểm của ngành dầu khí do PV GAS làm chủ đầu tư. Dự án này khởi công xây dựng ngày 28/10/2019 và có công suất giai đoạn 1 là 1 triệu tấn LNG/năm với tổng mức đầu tư là 285 triệu USD dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Giai đoạn 2 với công suất 3 triệu tấn LNG/năm, dự kiến hoàn thành vào năm 2023.
Dự án Kho cảng LNG Thị Vải
Dự án kho cảng LNG Thị Vải nằm trong chuỗi dự án điện LNG Thị Vải - Nhơn Trạch, bao gồm dự án kho cảng nhập khẩu LNG Thị Vải và dự án nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3&4. Sau khi hoàn thành, dự án kho cảng LNG Thị Vải dự kiến bổ sung nguồn cung khoảng 1,4 tỷ m3 cho dự án điện khí Nhơn Trạch 3&4, các khách hàng công nghiệp và đáp ứng cho nhu cầu khí thiên nhiên thiếu hụt trong nước.
1.2. Dự án LNG Hải Linh - Bà Rịa Vũng Tàu
Dự án LNG Hải Linh - Bà Rịa Vũng Tàu khởi công xây dựng vào quý 2/2018 do Công ty TNHH Dầu khí Hải Linh làm chủ đầu tư. Dự án kho LNG có sức chứa 220.000m3, công suất khoảng 4 triệu tấn/năm và dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Giai đoạn 1 xây dựng hai bể có sức chứa 120.000m3, giai đoạn 2 xây dựng 1 bể thể tích 100.000m3 với tổng giá trị đầu tư ước tính khoảng 8400 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, dự án LNG Hải Linh sẽ cung cấp LNG cho EVN - cụm nhà máy điện Phú Mỹ.
Dự án LNG Hải Linh
1.3. Dự án LNG Bạc Liêu
Dự án LNG Bạc Liêu là một dự án điện khí thiên nhiên hóa lỏng thuộc Trung tâm nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu. Dự án này do Công ty Delta Offshore Energy Pte. Ltd làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 93.600 tỷ đồng (tương đương khoảng 4 tỷ USD) lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với công suất 3.200MW. Theo kế hoạch, dự án bắt đầu triển khai trong năm 2021 và bắt đầu vận hành nhà máy điện vào năm 2024. Tuy nhiên, dự án này đang gặp phải nhiều khó khăn và chưa được triển khai. Tuy nhiên, hiện dự án này đang gặp vướng mắc ở các công việc liên quan đến chuẩn bị triển khai dự án, nên không thể bước sang giai đoạn xây dựng nhà máy.
Dự án LNG Bạc Liêu
1.4. Dự án LNG Chân Mây - Thừa Thiên Huế
Dự án LNG Chân Mây là dự án nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng do Công ty Cổ phần Chân Mây LNG đầu tư và phát triển tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô khởi công xây dựng vào quý I.2021, với tổng công suất thiết kế 4.000 MW và mức đầu tư ước tính 6 tỷ USD. Dự tính sẽ vận hành vào năm 2024 với sản lượng điện khí cung cấp trung bình từ 24-25 tỷ kWh. Tuy nhiên, dự án này được quy hoạch điện VIII dự kiến đưa vào giai đoạn 2041-2045 để thực hiện khi không phát triển được thêm các nhà máy điện khí miền Bắc.
Dự án LNG Chân Mây - Thừa Thiên Huế
Trên đây là một số dự án LNG lớn nhất Việt Nam đang trong giai đoạn xây dựng và dự kiến đưa vào hoạt động trong những năm tới đây. Theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, cả nước sẽ xây dựng 6 kho cảng LNG với tổng chi phí hơn 10 tỷ USD. Điều này giúp Việt Nam hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hoá thạch như than đá, điện năng lượng tái tạo (thuỷ điện, điện gió, điện mặt trời,v.v.) đồng thời giảm lượng khí thải, gắn liền phát triển bền vững với bảo vệ môi trường.