Theo quyết định trên, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam được thành lập với hình thức đa sở hữu, trong đó Nhà nước sở hữu chi phối về vốn. Tập đoàn này được hình thành trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Tổng công ty Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên.
Cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam bao gồm Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - là công ty nhà nước; có chức năng ký kết và giám sát việc thực hiện các hợp đồng dầu khí với nước ngoài; thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia về dầu khí; đầu tư tài chính vào các doanh nghiệp khác; giữ quyền chi phối các công ty con thông qua vốn, tài sản được Nhà nước giao quản lý, công nghệ, thương hiệu và thị trường.
Các tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, trong đó công ty mẹ do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nắm giữ 100% vốn điều lệ, gồm Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí, Tổng công ty Khí, Tổng công ty Sản xuất và Kinh doanh điện, Tổng công ty Lọc, Hoá dầu.
Trong cơ cấu tập đoàn còn có 4 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sở hữu 100% vốn điều lệ, 14 công ty do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, 2 công ty Tập đoàn nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ và 2 cơ sở đào tạo khác…
Quyết định nêu rõ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt sẽ làm nòng cốt để ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam phát triển bền vững, có khả năng cạnh tranh, hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả và bảo đảm an ninh năng lượng cho sự phát triển của đất nước.
Theo VNECONOMY