Cho đến nay cả nước có gần 900 xe taxi và xe buýt sử dụng LPG. Một số doanh nghiệp đang triển khai đội xe sử dụng LPG như Công ty cổ phần Vận tải Cửu Long, Công ty Đông Dương, Petrolimex...
Ông Lê Thanh Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Cửu Long, cho biết sau hai năm chuyển đổi từ động cơ dùng xăng sang LPG, đội xe đã tiết kiệm được hơn 30% chi phí nguyên liệu. Hiện công ty đang hướng đến việc sử dụng loại khí nén cao cấp hơn là CNG, nếu thành công sẽ tiết kiệm 50% chi phí so với dùng xăng.
Trước đó, Công ty Sonadezi mua từ Tập đoàn Ôtô Thành Công 50 xe đầu tiên trong hợp đồng cung cấp 500 chiếc xe buýt hiệu Daewoo chạy bằng CNG. Số xe buýt này sẽ được sử dụng đưa đón công nhân ở các khu công nghiệp và vận chuyển hành khách tại Đồng Nai.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2009-2010, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM sẽ chuyển đổi và đưa vào hoạt động 38 chuyến xe buýt chạy bằng CNG trên hai tuyến số 30 (Chợ Tân Hương - Suối Tiên) và số 91 (Bến xe Miền Tây - Chợ nông sản Thủ Đức). Cuối năm 2010, 800 xe khác cũng sẽ bắt đầu dùng nhiên liệu này.
Theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM, hiện doanh nghiệp triển khai các dự án chạy khí thiên nhiên gặp nhiều thuận lợi về vay ưu đãi. đơn cử như chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm đi vào hoạt động từ năm 2007 với nguồn vốn 350 triệu USD. Nhật Bản cũng cho vay ưu đãi 50 triệu USD, lãi suất 6,9%/năm, trả trong vòng 20 năm cho dự án này.
Hiện nay cả nước chỉ có khoảng 10 trạm LPG trong khi số lượng xe ngày càng đông. Ông Lê Thanh Hà cho biết khó khăn lớn nhất là việc triển khai các trạm nạp. Hiện Việt Nam còn thiếu các quy chuẩn, quy định về bơm khí hoặc quá cao so với mức đầu tư của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nguồn khí ở Việt Nam không dồi dào. Theo thống kê của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM, trong vòng 10 năm nữa, Việt Nam sẽ hết khí đốt. Như vậy, tương lai các doanh nghiệp khí thiên nhiên trong nước sẽ phụ thuộc vào thị trường khí thế giới nếu không chịu đầu tư vào sản xuất khí thiên nhiên.
Tại hội thảo “Hàn Quốc - ASEAN về phương tiện vận tải sử dụng khí thiên nhiên” lần thứ IV diễn ra mới đây tại TP.HCM, ông Hyoung Lull Jeon, Phó Vụ trưởng (Bộ Môi trường Hàn Quốc), cho biết muốn phát triển hệ thống nhiên liệu mới, Việt Nam phải xây dựng được hệ thống dẫn khí. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tìm kiếm nhiều hơn sự hỗ trợ từ nhà nước.
Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi sử dụng LPG và CNG cho các chủ phương tiện với 50% chi phí hỗ trợ lấy từ ngân sách trung ương và 50% còn lại từ ngân sách địa phương. Từ năm 2000 đến nay, Hàn Quốc đã có gần 20.000 xe buýt và 465 xe tải chuyên chở rác chạy bằng LPG cùng hệ thống 261 trạm cung cấp LPG dọc đất nước.
(Pháp Luật TP Hồ Chí Minh 9/11)