Kinh nghiệm của các nước trên thế giới về hai lĩnh vực gas trung tâm và autogas là hai lĩnh vực mang lại nhiều lợi ích. Với công nghệ mới sử dụng nhiên liệu LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng) và CNG (khí thiên nhiên nén) là hai loại nguyên liệu sạch, thân thiện với môi trường, tiết giảm được chi phí, tiết kiệm, hiệu quả mà Việt Nam đã khai thác, chế biến và sản xuất được.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Thắng-Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, với lực lượng các doanh nghiệp trong nước hiện có Việt Nam có thể ứng dụng các tiến bộ khoa học của các nước tiên tiến trên thế giới để sử dụng LPG/CNG vào đô thị và GTVT, nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và chống biến đổi khí hậu.
Thực tế cho thấy, lĩnh vực Gas Trung tâm và Autogas là lĩnh vực mới, tiềm năng và triển vọng, mặc dù đã đạt được một số kết quả thành công bước đầu, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước…
Để hạn chế ô nhiễm môi trường, chống biến đổi khí hậu, vì môi trường xanh sạch, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vừa ban hành Nghị quyết số 2958 thông qua việc chuyển đổi và sử dụng nhiên liệu khí nén CNG cho toàn bộ xe ô tô tại các đơn vị thành viên của tập đoàn trên địa bàn TPHCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (ước khoảng 500 xe).
Theo đó, tập đoàn giao cho Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) và Công ty Cổ phần Kinh doanh Khí hóa lỏng miền Nam (PV Gas South) lập và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển đổi và sử dụng khí nén CNG cho xe ô tô của các đơn vị thành viên trong ngành. Đồng thời, PV Gas và PV Gas South phải nhanh chóng tiến hành đầu tư lắp đặt bộ chuyển đổi và sử dụng CNG cho xe ô tô, đầu tư xây dựng trạm nạp khí CNG và bán khí CNG cho các đơn vị thành viên trong ngành trên tinh thần đảm bảo thuận tiện, an toàn và hiệu quả kinh tế cho người sử dụng.
Tổng Giám đốc PV Gas South Đoàn Văn Nhuộm cho biết, việc chuyển đổi nhiên liệu sử dụng cho các xe là hết sức cần thiết, vì nó giúp giảm chi phí nhiên liệu rất lớn (từ 30-50%), đồng thời giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thực hiện tốt chủ trương của Tập đoàn Dầu khí về phát huy nội lực cũng như chương trình hợp tác của ngành dầu khí với TPHCM và tỉnh BR-VT.
Cũng theo ông Đoàn Văn Nhuộm, hiện nay PV Gas South đã đầu tư nguồn cung cấp CNG bao gồm 1 trạm nén CNG (trạm mẹ) tại Khu Công nghiệp Mỹ Xuân A với công suất 70 triệu m³/năm. Ngoài ra, Công ty CP CNG Việt Nam (thành viên của PV Gas South) cũng đã đầu tư 1 trạm mẹ với công suất 30 triệu m³/năm (dự kiến sẽ nâng công suất lên 50 triệu m³/năm trong thời gian tới).
Đối với các trạm con (trạm nạp CNG cho xe ô tô), PV Gas South có 1 trạm nạp tại số 2 Phổ Quang, quận Tân Bình, TPHCM với công suất nạp khoảng 250 xe ô tô/ngày, đủ sức đáp ứng nhu cầu xe ô tô của các đơn vị trên địa bàn TPHCM.
Về phương tiện vận chuyển, PV Gas South đã đầu tư tổng cộng 26 xe chở CNG với sức chứa 4250Nm³ CNG. PV Gas South hiện cũng đã chuyển đổi thành công toàn bộ xe ô tô của công ty sang chạy CNG. Tại Vũng Tàu, PV Gas South đã đầu tư trạm nạp tại khu đất của công ty trên đường 30-4 phường 9, TP Vũng Tàu với công suất 3000Nm³/h….
Với năng lực nêu trên, PV Gas South dự kiến triển khai thực hiện việc chuyển đổi nhiên liệu sang chạy bằng khí CNG cho xe ô tô của các đơn vị trong vòng 4 tháng, để đến tháng 9/2010 toàn bộ công tác sẽ hoàn tất, thực hiện tốt nhiệm vụ mà tập đoàn giao phó.
(Sài Gòn Giải Phóng 23/4)