Ông Nguyễn Sỹ Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết: hiện cả nước có 80 doanh nghiệp kinh doanh gas đầu mối, trong số này chỉ có khoảng 60 đơn vị có thương hiệu, với hàng vài chục nghìn đại lý và cửa hàng nhỏ lẻ trên toàn quốc. Điều này đã dẫn tới tình trạng giá gas bán lẻ tới tay người tiêu dùng thường do các đại lý và cửa hàng quyết định.
Tuy nhiên, từ 15/1/2010, khi Nghị định số 107/2009/NĐ- CP về kinh doanh gas do Chính phủ ban hành có hiệu lực, thương nhân kinh doanh gas đầu mốisẽ phải công khai giá bán và phải chịu trách nhiệm về giá trong hệ thống phân phối của mình.
Ngoài ra, thương nhân kinh doanh gas đầu mối còn có trách nhiệm không để thiếu gas cung ứng cho hệ thống phân phối của mình quản lý, cũng như đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn hiện hành. Khi điều chỉnh tăng hoặc giảm giá bán các loại gas phải thông báo cho Sở Công Thương nơi có hệ thống phân phối của thương nhân đang hoạt động.
Ông Thắng còn cho biết thêm, Hiệp hội Gas và các lực lượng quản lý thị trường sẽ thường xuyên kiểm tra để phát hiện các trường hợp vi phạm để yêu cầu giải trình và xử lý.
Còn đối với khách hàng sử dụng khi phát hiện cửa hàng bán gas không đảm bảo chất lượng, trọng lượng, không tuân thủ các quy định về an toàn, bán không theo giá quy định, không thực hiện chính sách khuyến mại (nếu có) phải báo cho thương nhân kinh doanh gas đầu mối, tổng đại lý, đại lý, hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền để ngăn chặn và kịp thời xử lý.
(Thời Báo Kinh Tế Việt Nam 5/12)