Tại hội thảo quốc tế về sử dụng khí thiên nhiên CNG- NGV lần thứ 2 tại TPHCM do Công ty All Events Group, Công ty Xúc tiến thương mại Phát triển kinh tế và Công ty VN Ventures-USA phối hợp tổ chức ngày 29/3, vấn đề sử dụng nhiên liệu sạch trong ngành vận tải hành khách lại được đặt ra.
So sánh sự tiết kiệm khi sử dụng khí nén thiên nhiên (CNG) với dầu diesel, PGS-TS Phạm Xuân Mai, Trưởng Khoa Kỹ thuật Giao thông Trường ĐH Bách khoa TPHCM, cho biết với mỗi tấn diesel phải bỏ ra 594 USD, nhưng chỉ mất 318 USD cho 1 tấn khí nén CNG, sẽ tiết kiệm được 53,5% chi phí nhiên liệu. Về đầu tư xe buýt, nếu đầu tư ngay từ đầu, giá một xe buýt sử dụng CNG đắt hơn xe buýt sử dụng diesel là 25.000 USD.
Nếu mua mới 10.000 xe, TP phải tốn 250 triệu USD. Tuy nhiên, mỗi xe buýt sử dụng CNG trong một năm sẽ tiết kiệm được 8.308 USD nhiên liệu so với dùng dầu diesel, 10.000 xe tiết kiệm được 83.080.000 USD. Theo tính toán trên, trong 3 năm 10.000 xe buýt chạy CNG sẽ tiết kiệm được số nhiên liệu bằng 250 triệu USD. Chưa kể, trợ giá hằng năm cho xe buýt khoảng 600 tỉ đồng, nếu sử dụng CNG sẽ tiết kiệm đến 50% chi phí cho nhiên liệu.
Trong khi đó theo TS Bùi Văn Quyền, Vụ trưởng, Bộ Khoa học và Công nghệ, VN có trữ lượng khí tự nhiên lớn đồng thời có khả năng tự chủ công nghệ trong sản xuất CNG, đây là cơ hội tốt để đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển CNG trong thời gian tới. “Nhà máy CNG tại KCN Phú Mỹ 1, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được coi là bước khởi đầu cho việc sử dụng khí thiên nhiên - năng lượng rẻ và sạch”- TS Quyền nói.
Hiện nay, hai việc quan trọng là xây dựng các trạm con để dẫn nguồn khí về và đầu tư hệ thống xe buýt sử dụng CNG được nhiều người quan tâm. Ông Trần Thành Nam, đại diện Công ty Cổ phần Kinh doanh Khí hóa lỏng miền Nam, cho biết hiện công ty đã xây dựng 2 trạm mẹ đặt tại TP Vũng Tàu, công suất 50 triệu m3 khí/năm và 15 trạm con, trong đó có 1 trạm cung cấp khí cho hệ thống xe buýt tại TPHCM, đặt tại quận Tân Bình có công suất nạp liên tục cho 50 xe/ngày.
Hiện trạm này đã hoàn thành phần xây dựng và lắp đặt, dự kiến sẽ đưa vào vận hành trong năm 2010. Tuy nhiên, 1 trạm con thì không thể đáp ứng đủ khí cho hệ thống xe buýt nên tương lai phải xây ít nhất từ 4-5 trạm.
Ông Nam cho biết thêm, nếu tiến độ chuyển đổi xe buýt của TPHCM suôn sẻ, dự kiến tháng 4-2010 sẽ đưa 50 xe buýt sử dụng loại khí này vào hoạt động, đến năm 2011 sẽ có 500 xe và năm 2015 là 1.500 xe.
Tuy nhiên, kế hoạch trên có sớm đưa vào thực tế hay không còn tùy thuộc vào chính sách hỗ trợ của TPHCM. Đại diện Sở GTVT cho biết, hiện kế hoạch thí điểm cho 2 tuyến xe buýt chạy bằng CNG của Công ty Xe khách Sài Gòn vẫn còn chờ Sở Tài chính xem xét cho đơn vị này được hưởng mức chênh lệch 50% số tiền nhiên liệu dư ra khi sử dụng CNG thay cho dầu diesel.
Ngoài ra phải chờ UBND TP có chủ trương cho miễn thuế khi nhập 21 xe mới sử dụng CNG. Riêng nguồn vốn để đầu tư 21 xe này thì Công ty Xe khách Sài Gòn đã vay ưu đãi với lãi suất 0%. Ngoài 21 xe nhập mới, có thêm 29 xe được công ty này cải tạo từ xe cũ để đưa vào sử dụng CNG.
(Người Lao Động 30/3)