Ông David cho biết, yêu cầu sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm khí phát thải dường như được Hoa Kỳ rất quan tâm. Một trong những công cụ của chiến lược an ninh năng lượng của Hoa Kỳ là sáng kiến về tăng cường năng lực và quản lý năng lượng.
Đây là một chương trình được phối hợp giữa các cơ quan của Hoa Kỳ như Bộ Tài chính, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ, Cơ quan Khảo sát địa chất Hoa Kỳ và Cục Quản lý khoáng sản thuộc Bộ Nội địa - nơi quản lý quá trình thăm dò, khai thác dầu khí cũng như các nguồn thu trong lĩnh vực này.
Trong chương trình này, Hoa Kỳ xác định 10 nước có tiềm năng lớn về dầu khí và muốn giúp các nước này quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên này có hiệu quả.
Ông David đã tiếp xúc với Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để tìm hiểu các kế hoạch của Chính phủ Việt Nam trong đầu tư phát triển công nghiệp khí và khí phục vụ phát điện. Hoa Kỳ cũng bày tỏ mong muốn được hợp tác với Việt Nam.
Hoa Kỳ nhận thấy có nhu cầu đáng kể về cấp điện, đặc biệt là các nguồn điện chất lượng cao từ phía các nhà sản xuất công nghiệp ở Việt Nam. Và phía Hoa Kỳ cũng tin rằng, khí tự nhiên có thể trở thành một nguồn nguyên liệu đầu vào rất thích hợp cho ngành điện.
Việt Nam cùng với các nước còn lại gồm Papua New Guinea, Liberia, Guyana, Suriname, Uganda..., là những nước được chọn cho sáng kiến này. Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam có tiềm năng rất lớn, đặc biệt là khí tự nhiên tại các khu vực lãnh hải ngoài khơi của Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng có những tiềm năng đáng kể về dầu mỏ, đặc biệt là ở các khu vực biển nước sâu.
Hiện nay Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang cân nhắc việc phát triển mạnh hơn vào các nhà máy nhiệt điện chạy than vì cho rằng dự trữ về khí tự nhiên của Việt Nam trong vài năm tới có hạn chế. Nhìn từ góc độ giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, chúng tôi hy vọng rằng, Việt Nam sẽ xem xét khả năng tập trung vào sản xuất điện từ khí do ít chất phát thải hơn các nhiên liệu truyền thống khác.
Nếu có những chính sách và quy định thích hợp thì vốn ODA từ nước ngoài là không cần thiết và Việt Nam có thể huy động được nguồn vốn tư nhân trong nước để phát triển các nhà máy như vậy.
(Đầu Tư 20/3)