Theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam, năm 1960 Chính phủ Liên Xô cử chuyên gia địa chất dầu khí Kitovani S.K. sang giúp Việt Nam tiến hành điều tra địa chất dầu khí. Trong 2 năm 1960-1961, ông đã cùng các đồng nghiệp Việt Nam hoàn thành báo cáo tổng hợp đầu tiên ở nước ta “Địa chất và triển vọng dầu khí ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”.
Xuất phát từ tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo Đảng và Nhà nước về ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam, cùng với kết luận ban đầu tại báo cáo địa chất dầu khí nói trên, ngày 09/10/1961 Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 159/CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Địa chất trong đó đã xác định rõ có tổ chức Đoàn thăm dò Dầu lửa. Chỉ hơn một tháng sau, ngày 27/11/1961, Tổng cục Địa chất ra Quyết định số 271/ĐC thành lập Đoàn Thăm dò Dầu lửa, số hiệu của Đoàn là: Đoàn 36 dầu lửa (tên thường gọi là Đoàn địa chất 36 hay Đoàn 36). Những kết quả khảo sát nghiên cứu về dầu khí của Đoàn thăm dò dầu lửa tại Đồng bằng sông Hồng và trên toàn miền Bắc Việt Nam trong thập niên 60 thế kỷ trước là tiền đề để ngày 09/10/1969 Chính phủ ra Quyết định số 203/CP về việc thành lập Liên đoàn địa chất 36 trên cơ sở mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động của Đoàn thăm dò dầu lửa, nhằm đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở miền Bắc Việt Nam. Có thể nói, hoạt động của Đoàn thăm dò dầu lửa mà tiếp theo là Liên đoàn địa chất 36 trong giai đoạn này đã cung cấp rất nhiều tài liệu và thông tin quý giá, những kết luận quan trọng về cấu trúc địa chất, tiềm năng dầu khí ở miền võng Hà Nội, ở vùng trũng An Châu và là “cái nôi” cung cấp nguồn nhân lực kể cả cán bộ quản lý cho ngành Dầu khí Việt Nam trong giai đoạn đầu. Lịch sử ngành dầu khí ghi nhận đậm nét những mốc son trong thời kỳ đầu khó khăn, gian khổ nhưng đã tạo dựng được nền móng cho sự phát triển của một nền công nghiệp dầu khí trong tương lai.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ngày 03/9/1975 Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 170/CP thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam (gọi tắt là Tổng cục Dầu khí Việt Nam). Trải qua quá trình phát triển để phù hợp với mô hình và quy mô hoạt động từng giai đoạn, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam được đổi thành Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam và nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam theo quyết định số 199/2006/QĐ-TTg ngày 29/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ.
Thể theo nguyện vọng của các thế hệ lao động Ngành Dầu khí Việt Nam và đề nghị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, ngày 20/7/2009, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban quyết định số 1034/QĐ-TTg về việc lấy ngày 27 tháng 11 hàng năm là “Ngày truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam”. Đây là ngày Đoàn thăm dò dầu lửa (Đoàn 36 dầu lửa) được thành lập (27/11/1961) - tổ chức Việt Nam đầu tiên thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở Việt Nam; tiền thân của Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam trước đây và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam ngày nay.
Trải qua gần nửa thế kỷ, nhiều thế hệ “Những người đi tìm lửa” bằng lòng tin, sự lao động cần cù sáng tạo, ý chí quyết tâm, đức hy sinh đã viết lên những trang sử vẻ vang của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam. Chính họ, kể cả trong thời kỳ gian khó nhất, hy vọng có dầu là mong manh nhất vẫn miệt mài lao động với khát khao cháy bỏng là tìm bằng được nguồn tài nguyên dầu khí quý giá cho Tổ quốc, tin tưởng tuyệt đối vào tương lai tươi sáng của ngành Dầu khí Việt Nam. Bằng mồ hôi và cả máu của mình, các thế hệ người lao động dầu khí đã từng bước xây dựng ngành dầu khí trở thành ngành kinh tế chủ lực của đất nước, góp phần đưa đất nước ta thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài ở những thập niên 80-90 của thế kỷ XX và trong thập niên đầu của thế kỷ XXI ngành Dầu khí Việt Nam đã và đang góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hoá đất nước.
Những thành tựu to lớn mà ngành Dầu khí Việt Nam đạt được trong gần 50 năm qua, trước hết thuộc về tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Bác Hồ vĩ đại; sự chỉ đạo, điều hành sâu sát của Chính phủ và các bộ ngành trung ương, sự hỗ trợ giúp đỡ chí tình của các địa phương và nhân dân cả nước và sự lao động quên mình của những người lao động dầu khí, đặc biệt là các thế hệ đầu tiên của “Những người đi tìm lửa”.
Thành Huy
Theo pvn.vn