Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) được đánh giá là nguồn năng lượng thay thế vượt trội so với nhiên liệu hóa thạch như than đá, xăng, dầu,... bởi giá trị năng lượng cao, hàm lượng khí thải vào không khí thấp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giá thành cạnh tranh, nguồn cung ổn định. Ngày nay, LNG được ứng dụng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực như tiêu thụ công nghiệp, thương mại và dân dụng, v.v. Cùng tìm hiểu rõ hơn về LNG là gì và các thông tin hữu ích về loại nhiên liệu này.
1. LNG là gì?
Khí thiên nhiên hóa lỏng (Liquefied Natural Gas), hay viết tắt LNG, là khí thiên nhiên được hóa lỏng ở nhiệt độ khoảng -162oC, chiếm 1/600 thể tích cần thiết cho một lượng khí thiên nhiên tương đương ở nhiệt độ phòng và áp suất khí quyển, thuận tiện cho việc lưu trữ và tối ưu chi phí vận chuyển.
1.1. Đặc tính của khí LNG
LNG có thành phần chủ yếu là CH4 - methane (chiếm khoảng 95%), có đặc tính không màu, không mùi, nhẹ hơn và dễ tan vào không khí. Do đó loại nhiên liệu này an toàn hơn trong tồn chứa và vận chuyển, bởi nếu không may xảy ra rò rỉ, LNG tiêu tán nhanh, không để lại dư lượng. Ngoài ra, nhiệt độ tự cháy của LNG cao hơn hẳn so với các nhiên liệu khác (khoảng 482 - 632oC) do đó rủi ro cháy nổ cũng thấp hơn.
1.2. Một số thông tin hữu ích về LNG
Sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội so với các nhiên liệu hóa thạch khác như than đá, dầu mỏ, LNG hiện là nguồn năng lượng quan trọng và giàu tiềm năng trong phát triển kinh tế ở nhiều quốc gia. Dưới đây là một số thông tin hữu ích về khí thiên nhiên hóa lỏng, ứng dụng, ưu và nhược điểm của LNG.
1.3. Ứng dụng của LNG
Sau khi được vận chuyển đến nơi tiêu thụ, LNG được chuyển trở lại trạng thái khí, sử dụng tương tự như khí khô phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ tại các hộ công nghiệp, nhà máy điện, đô thị, v.v. Một số ứng dụng cụ thể của LNG hiện nay bao gồm:
-
Phát triển điện khí: LNG được sử dụng thay thế máy phát điện sử dụng nhiên liệu diesel nhờ chuyển đổi sang máy phát khí hoặc sử dụng nhiên liệu kép.
-
Nhiên liệu cho các phương tiện giao thông vận tải như ô tô, tàu biển, tàu hoả, v.v.
-
Sử dụng làm khí đốt trong nhà hàng, nồi hơi công nghiệp và thương mại ở các lĩnh vực như chế biến thực phẩm, lò nung, sấy khô, v.v.
1.4. Ưu điểm của LNG
LNG sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với các nhiên liệu truyền thống khác, cụ thể:
- Thân thiện với môi trường: Sử dụng LNG giúp giảm đáng kể lượng khí thải vào không khí, giúp giảm ô nhiễm môi trường.
- An toàn trong tồn chứa và vận chuyển: LNG nhẹ hơn và dễ tan vào không khí, không tích tụ và không để lại dư lượng do đó không quá tốn kém chi phí cho việc làm sạch nước hoặc đất nếu có hiện tượng rò rỉ hay tràn LNG.
- Thuận tiện tồn chứa và vận chuyển: Thay vì nén, LNG được làm lạnh để hóa lỏng, chỉ chiếm 1/600 thể tích so với không khí ở điều kiện tiêu chuẩn, giúp vận chuyển khối lượng lớn trên quãng đường dài một cách hiệu quả và tiết kiệm.
- Đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lâu dài: được khai thác muộn hơn so với một số nhiên liệu như than đá, xăng, dầu,... LNG có khả năng đáp ứng được nguồn cung ổn định lâu dài.
1.5. Nhược điểm của LNG
Một số nhược điểm của khí thiên nhiên hóa lỏng - LNG bao gồm:
- Rủi ro trong sản xuất: LNG là chất lỏng siêu lạnh, nếu tiếp xúc trực tiếp sẽ làm đóng băng điểm tiếp xúc. Do đó, người lao động cần trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ, găng tay, khẩu trang, v.v. Ngoài ra quá trình xử lý và chế biến cần được đảm bảo diễn ra một cách nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn cho người lao động.
- Khó dự đoán giá: Giá thành LNG biến động liên tục do ảnh hưởng của thời tiết, mất cân bằng cung cầu, xung đột chiến tranh, v.v gây nhiều khó khăn cho các quốc gia phụ thuộc hoàn toàn vào khí LNG nhập khẩu.
Khí thiên nhiên hóa lỏng - LNG được đánh giá có tầm quan trọng trong việc giảm thiểu ô nhiễm không khí, đảm bảo an ninh năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào các nhiên liệu hóa thạch khác như than đá hay dầu mỏ. Chính vì thế, LNG đang dần trở thành nguồn năng lượng thay thế tiềm năng được chú trọng đầu tư và phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam. Vì nguồn cung năng lượng sơ cấp hạn chế, Việt Nam sẽ nhập khẩu LNG nhằm thoả mãn nhu cầu năng lượng trong thời gian tới. Hiện tại, Gas South đã chuẩn bị sẵn sàng cơ sở hạ tầng để tiếp nhận và kinh doanh LNG khi sản phẩm này được nhập vào thị trường Việt Nam dự kiến cuối năm 2023.