Tại buổi hội thảo “Phân tích và đầu tư cổ phiếu DPM” ở CTCP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Công thương (VietinbankSc) tổ chức chiều ngày 14/10, bà Nguyễn Thị Hiền - Ủy viên HĐQT của Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) đã ước kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm với doanh thu đạt 5,383 tỷ đồng, hoàn thành 93% kế hoạch năm và 1,130 tỷ đồng lợi nhuận bằng 104.2% kế hoạch.
Ngoài ra, trong 9 tháng đầu năm, sản lượng sản xuất phân Urê của DPM đạt 550,000 tấn urê, bằng 73% kế hoạch và sản lượng tiêu thụ đạt 528,000 tấn urê, bằng 68%. Lượng phân bón nhập khẩu trong 9 tháng cũng đạt 253,515 tấn, bằng 101% kế hoạch năm.
Bà Hiền cho biết, với việc hoàn tất kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sớm hơn dự kiến, HĐQT công ty quyết định giữ lại 700,000 tấn urê thành phẩm của năm 2009 chuyển sang tiêu thụ trong năm 2010, nhằm giảm kế hoạch sản lượng tiêu thụ 2010 xuống còn 710,000 tấn.
Trả lời thắc mắc của nhà đầu tư về tình hình hoạt động, bà Hiền cho biết, hiện Ban quản trị DPM đang lập phương án tiếp quản sau khi dự án nhà máy Đạm Cà Mau hoàn thành vào năm 2012 để trình Đại hội cổ đông 2010 quyết định.
DPM cũng đang triển khai dự án trung tâm thương mại Cửu Long ở Cà Mau có vốn đầu tư 18 triệu USD, sẽ đi vào hoạt động và hạch toán doanh thu vào quý 1/2010; dự án sản xuất urê từ nguồn nguyên liệu là CO2 trong khói thải của nhà máy Đạm Phú Mỹ, với tổng mức đầu tư 27 triệu USD, sau khi hoàn thành sẽ giúp DPM tăng thêm 60,000 tấn urê/năm.
Trong thời gian tới, DPM triển khai xây dựng tòa nhà Văn phòng trên đường Mạc Đỉnh Chi tại TPHCM với vốn đầu tư 13 triệu USD; dự án sản xuất phân NPK, SA… tại khu vực nhà máy Đạm Phú Mỹ.
Về khấu hao Nhà máy Đạm Phú Mỹ, bà Hiền cho biết dự kiến trong Quý 1, Quý 2 hoặc chậm nhất là Quý 3/2010 sẽ khấu hao hết 700 tỷ đồng còn lại.
Một chủ đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm là mức giá khí nguyên liệu mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) bán cho DPM. Theo bà Hiền, mức giá 2.2 USD/1 triệu BTU khí do PVN cam kết, sẽ không thay đổi cho đến hết năm 2009.
Từ năm 2010, PVN sẽ áp mức giá mới bằng với giá thị trường nhưng sẽ đảm bảo cho tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu của DPM không thấp hơn 14%. Đồng thời, PVN cũng cam kết về nguồn cung ổn định và vĩnh viễn cho nhà máy Đạm Phú Mỹ. Như vậy, vào năm 2010, khi khấu hao nhà máy Đạm Phú Mỹ hoàn tất thì mức giá nguyên liệu khí tăng lên cũng không ảnh hưởng nhiều đến giá thành sản phẩm Urê Đạm Phú Mỹ.
Phân tích về cổ phiếu DPM, ông Huỳnh Minh Trí, đại diện Vietinbanksc
nhận định “Hoạt động trong ngành sản xuất phân bón nhiều triển vọng phát
triển, lại là doanh nghiệp đầu ngành, có thương hiệu uy tín qua nhiều năm, Đạm Phú Mỹ hứa hẹn sẽ phát triển bền vững trong thời gian tới.”
Ông Trí đánh giá, với tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận đều đặn và duy trì ở mức cao. Tình hình tài chính lành mạnh như P/E 17.8 lần, P/B 3.5 lần, ROS đạt 13.8% và ROE đạt 20.4%, Đạm Phú Mỹ tạo dựng được niềm tin cho nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu DPM vào danh mục đầu tư dài hạn.
Hiện cổ phiếu DPM đang được giao dịch với tính thanh khoản cao, được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Mức giá hiện tại khoảng 49,000 đồng/cp, khá thấp so với kết quả định giá của VietinbankSc là 54,980 đồng/cp.
(Vietstock 15/10; Thời Báo Kinh Tế Việt Nam 16/10)