Theo GS - TSKH Bùi Văn Ga, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu và thử nghiệm nhiên liệu LPG cho xe máy và xe ô tô minibus, LPG là một loại khí hóa lỏng được xem là sạch nhất với môi trường hiện nay.
Với những đặc tính như không độc, không gây ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người, chỉ số ốc-tan cao không cần pha phụ gia và giá cả cạnh tranh là những ưu điểm lớn để LPG có thể bước vào thị trường.
Khảo sát của ông Ga và các đồng nghiệp cho thấy, 1kg khí LPG tương đương 2 lít xăng. Như vậy, tùy thuộc vào tỷ giá giữa xăng và khí ga, ô tô sử dụng LPG chi phí tiết kiệm hơn so với dùng xăng từ 15-30%. Ngoài ra, theo tính toán, muội và khói phát thải thấp hơn xăng và dầu diesel tới 90%. Chính vì vậy, có thể nói sử dụng LPG làm nhiên liệu động cơ là cuộc cách mạng về môi trường giao thông vận tải tại Việt Nam.
Các chuyên gia khẳng định, việc chuyển đổi từ xe đang chạy xăng, dầu diesel sang dùng LPG là hoàn toàn có thể và rất ít gây tác hại cho động cơ. Hơn thế, việc chuyển đổi này rất đơn giản, với chi phí khoảng 500 - 600 USD/xe.
Tại TP Hồ Chí Minh, năm 1997, lần đầu tiên Công ty Dầu khí Sài Gòn Petro liên kết với một số đơn vị cho chạy 20 đầu xe taxi tải trong nội thành và xây dựng trạm nạp LPG cho ô tô. Công ty Universal Petroleum đã triển khai trong năm 2002 đội xe 7-12 chỗ chạy liên tỉnh tại TP Hồ Chí Minh và đặt 2 trạm cấp Autogas tại TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
Tại Đà Nẵng, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã nghiên cứu, thử nghiệm và chuyển đổi thành công nhiên liệu LPG cho xe máy và xe minibus hoán cải sử dụng bình gas dân dụng 12kg. Song số lượng này vẫn còn rất hạn chế, thậm chí là rất èo uột hoặc đã ngừng hoạt động.
PGS Nguyễn Đức Phú, Khoa Cơ khí, ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, việc ứng dụng nguồn nhiên liệu sạch LPG ở Việt Nam còn chậm, chưa đồng bộvà rộng khắp là do còn "vướng". Chúng ta chưa có chính sách cụ thể nào khuyến khích sử dụng LPG hoặc là hỗ trợ cho việc sử dụng LPG.
Bằng kinh nghiệm của người ở một doanh nghiệp đã từng cho ra đời 1 hãng taxi chạy LPG và nay xếp xó, kĩ sư Nguyên cho hay: Thái Lan, Trung Quốc là những quốc gia có đưa ra rất nhiều những chính sách hỗ trợ sử dụng LPG như hỗ trợ chuyển đổi, hỗ trợ xây dựng các trạm cung cấp nhiên liệu, hỗ trợ 30% giá LPG…
Tuy nhiên, ở Việt Nam, tất cả những điều này gần như chưa có gì. Các doanh nghiệp phải tự bươn chải, phải bỏ vốn rất lớn để đầu tư xây dựng trạm cung cấp nhiêu liệu… Đã thế, không chỉ phải bỏ tiền vốn, mà trong quá trình triển khai, doanh nghiệp cũng gặp vô vàn khó khăn.
Ông Nguyên cho biết thêm, muốn xe chạy nhiên liệu LPG thì phải có trạm chứa nhiên liệu. Tuy nhiên, việc thiết kế trạm không đơn giản. Trong quá trình thực hiện đề tài dự án: "Hoàn thiện công nghệ chuyển đổi xe chạy xăng sang xe chạy LPG sử dụng trong các TP lớn", mã số KC.06.DA.09.CN, công ty đã mua một trạm nạp ga từ I-ta-li-a. Song cho tới thời điểm này vẫn chưa lắp đặt được vì lúc thì không có đất, lúc xin được đất thì lại vướng thủ tục về phòng cháy chữa cháy (LPG là chất rất dễ cháy nên yêu cầu về phòng cháy chữa cháy rất cao).
Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc Nhà nước cần phải có những "động thái" để thúc đẩy việc phát triển sử dụng nhiên liệu LPG như: hỗ trợ về giá (khoảng 20-30%), hỗ trợ xây dựng các trạm cung cấp nhiên liệu; chỉ ra rằng loại xe nào là thích hợp để sử dụng LPG vì thực tế cho thấy, không phải loại xe nào cũng thích hợp với việc sử dụng LPG.
(Hà Nội Mới 16/10)